Năng suất lao động Việt Nam thấp hơn nhiều lần so với các nước trong khu vực được lý giải do điều kiện thua kém và thiếu quản lý giỏi.
Cách nào để năng suất lao động Việt Nam không thua kém các nước trong khu vực một lần nữa lại là câu hỏi trăn trở được nêu tại diễn đàn CEO “Nâng cao năng suất lao động, đòn bẩy tăng trưởng kinh tế” ngày 12/4 tại Hà Nội.
Theo dữ liệu Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tính theo sức mua bình quân 2012, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, bằng 7% mức năng suất của Singapore; 17,6% Malaysia và 36,5% Thái Lan. Chênh lệch năng suất lao động giữa Việt Nam với các nước tiếp tục gia tăng. 10 người Việt Nam làm không bằng một người Singapore, 5 người Việt chưa bằng một người Malaysia, gần 3 người Việt Nam mới bằng một người Thái Lan, thậm chí năng suất lao động còn thấp hơn Lào.
“Việt Nam phải nỗ lực mới rút ngắn được khoảng cách này. Nói vậy không có nghĩa phải cố gắng để đuổi kịp mà làm thế nào để tăng năng lực nội tại của Việt Nam. Cùng điều kiện sản xuất như Singapore năng suất chúng ta còn cao hơn họ”, ông Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận xét.
Lao động Việt Nam làm việc tại nhà máy Samsung. |
Chỉ ra nguyên nhân, ông Lâm cho rằng, cơ bản nhất là do xuất phát điểm của nền kinh tế thấp, cơ cấu kinh tế lạc hậu. Mặt khác, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh thế còn chậm, những ngành công nghiệp dịch vụ chiếm tỷ trọng thấp, nhất là ngành mũi nhọn như tài chính, tín dụng, du lịch.
Quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm gần 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 2,1%.
Ông Nguyễn Bích Lâm cũng chỉ ra rằng, tốc độ tăng năng suất lao động khu vực doanh nghiệp tăng thấp hơn tốc độ tăng của tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp. Theo giá hiện hành, giai đoạn 2007-2013 tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp tăng 16,9% một năm, trong khi năng suất lao động bình quân khu vực này chỉ tăng 12,9%. Điều này giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Cho biết năng suất lao động ở Việt Nam bằng 99% so với năng suất lao động tại các nhà máy mà Samsung đang hoạt động ở các nước khác, ông Bang Huyn Woo – Phó tổng giám đốc Samsung Việt Nam bày tỏ, ông không nghĩ năng suất của người Việt Nam thấp mà chủ yếu là do quá trình đào tạo, quản lý lao động mà ở đây là vai trò của các nhà quản lý.
“Giống các tuyển thủ U23 Việt Nam khi gặp được huấn luyện viên tốt sẽ toả sáng, nếu người lao động Việt Nam có được sếp giỏi thì năng suất lao động người Việt cũng được nâng lên”, ông Woo nói.
Đồng quan điểm bà Hà Thu Thanh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Deloitte Việt Nam cho rằng, người sử dụng lao động quyết định và chịu trách nhiệm năng suất lao động của doanh nghiệp mình. “Chủ doanh nghiệp phải coi đầu tư cho đào tạo lao động là khoản đầu tư chứ không phải chi phí sản xuất. Lãnh đạo doanh nghiệp cần đưa ra hệ chính sách tiền lương, thưởng, đào tạo nghề gắn người lao động; hệ thống quản trị công ty và văn hoá doanh nghiệp phải có sức sáng tạo, tạo cho người lao động khả năng làm việc kỷ luật lao động”, bà nói.
Yếu tố con người lại được bà Đinh Thị Ngọc Minh – Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và dịch vụ Tuấn Minh cho là nhân tố quyết định sẽ giúp doanh nghiệp tăng năng suất lao động. “Chúng tôi coi con người là yếu tố “mắt xích” giúp doanh nghiệp mình tăng năng suất lao động nếu muốn cạnh tranh, trụ vững trên thị trường”, bà chia sẻ.
Giải pháp về thể chế, chính sách được đề cập đầu tiên khi bàn về cách để tăng năng suất lao động của Việt Nam, kéo gần khoảng cách với các nước trong khu vực.
Ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng, điều cần thiết hiện nay là Chính phủ sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia do một Phó thủ tướng làm Chủ tịch, thiết lập một cơ quan thường trực, chuyên sâu về năng suất lao động có nhiệm vụ phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam, học tập kinh nghiệm của Singapore và Hàn Quốc để áp dụng vào Việt Nam.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền – Tổng giám đốc Công ty May 10 đề nghị, nếu chờ cơ chế thì sẽ rất lâu. Nhắc tới phương châm của doanh nghiệp là “tự giác, tự chủ, tự cường, tự cứu mình trước khi trời cứu”. Bà Huyền đề nghị cần sửa lại Luật lao động để đảm bảo cân bằng quyền, lợi ích giữa người sử dụng lao động và sử dụng lao động. “Luật lao động hiện thiên quá nhiều về bảo vệ người lao động trong khi doanh nghiệp phải gồng mình lên ứng phó. Cần công bằng hơn giữa người lao động và sử dụng lao động”, bà Huyền góp ý.
Trong khi đó, bà Định Thị Ngọc Minh đề nghị, các bộ, ngành phải thực sự lắng nghe và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thì thể chế mới có thể thay đổi, đột phá. “Doanh nghiệp cần được trao cần câu cá chứ không đơn thuần mồi câu”, bà nói, đồng thời cho rằng chính các doanh nghiệp không thể lơ là trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bởi “doanh nghiệp nào đứng ngoài cuộc sẽ hụt hơi”.
Anh Minh